Chỉ 1 ngày sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Pelosi kết thúc chuyến thăm Đài Loan, quân đội Trung Quốc đã tiến hành một cuộc tập trận bắn đạn thật quanh hòn đảo này. Theo Thời báo Hoàn Cầu, các cuộc tập trận lần này là “chưa từng có” và tên lửa Trung Quốc dự kiến sẽ bay qua vùng lãnh thổ Đài Loan lần đầu tiên.
[related_post_by_tag]
Trung quốc tập trận “chưa từng có tiền lệ” quanh Đài Loan
Sáng nay, ngày 4/8 Chiến khu Đông bộ thuộc quân đội Trung Quốc đã đăng một thông báo trên tài khoản Weibo với nội dung như sau: “Từ 12h hôm nay 4-8 tới 12h ngày 7-8, Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc sẽ tiến hành các hoạt động huấn luyện quân sự quan trọng trên vùng biển và vùng trời xung quanh đảo Đài Loan”.
Trước đó, thông tin về các cuộc tập trận này cũng đã được hãng thông tấn Tân Hoa Xã đăng tải vào tối ngày 2/8, ngay sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi vừa đặt chân đến Đài Loan.
Theo bản đồ được truyền thông trung quốc đăng tải, những cuộc tập trận của quân đội Trung Quốc sẽ diễn ra cách bờ biển Đài Loan dưới 15km, bao gồm 6 khu vực chính là phía bắc, đông bắc, tây bắc, đông, nam và tây nam Đài Loan. Vị trí diễn tập nằm trong khu vực eo biển Đài Loan, biển Hoa Đông, kênh Ba Sĩ và Thái Bình Dương.
Tờ Global Times cũng đã trích dẫn nhận định của các nhà phân tích quân sự rằng: cuộc tập trận này “chưa từng có tiền lệ” và “đây là lần đầu tiên PLA phóng tên lửa tầm xa trực tiếp qua eo biển Đài Loan”.
Phản ứng của các bên liên quan
Trước động thái trên, cũng trong ngày 4/8, Cơ quan Phòng vệ Đài Loan tuyên bố, các lực lượng Đài Loan đang theo dõi chặt chẽ những cuộc tập trận chưa từng có của Trung Quốc này. Họ nhấn mạnh sẽ giữ vững nguyên tắc “chuẩn bị cho chiến tranh mà không tìm kiếm chiến tranh” cũng như “thái độ không leo thang xung đột và gây ra xung đột”.
Trước đó, vào ngày 3/8, cơ quan này cũng đã cáo buộc một loạt cuộc tập trận bắn đạn thật ở 6 khu vực trên là nỗ lực của Bắc Kinh nhằm phong tỏa đảo Đài Loan. Theo ông Tôn Lập Phương – người phát ngôn của Cơ quan Phòng vệ Đài Loan: “Các hành động vô lý của Trung Quốc sẽ gây nguy hiểm cho sự an toàn của các tuyến đường thủy quốc tế, thách thức trật tự quốc tế, phá vỡ hiện trạng eo biển Đài Loan và gây nguy hiểm cho an ninh khu vực”.
Cũng trong ngày 3/8, Cục Hàng hải và cảng của Đài Loan đã đưa ra cảnh báo cho các tàu thuyền ở khu vực phía bắc, phía đông và phía nam Đài Loan. Họ khuyến cáo rằng tàu thuyền nên tránh các khu vực diễn ra cuộc tập trận của Trung Quốc và sử dụng các tuyến đường thay thế.
Còn về phía Trung Quốc, tại cuộc họp báo hôm 3/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc – Hoa Xuân Oánh cho biết, các cuộc tập trận của Trung Quốc ở vùng biển ngoài khơi đảo Đài Loan là “cần thiết và chính đáng”. Bà nói rằng đây là “phản ứng trước hành động khiêu khích của phía Mỹ và lực lượng ly khai đòi Đài Loan độc lập, cũng như nhằm “giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc”.
Trước cuộc tập trận quy mô lớn của Trung Quốc, Mỹ cũng đã bày tổ thái độ lo ngại tình hình leo thang có thể gây ra cuộc đụng độ không mong muốn giữa quân đội Trung Quốc và Đài Loan, đặc biệt là nếu quân đội Trung Quốc phóng tên lửa bay qua vùng lãnh thổ này hoặc có xung đột trên không. Theo tờ báo New York Times, các quan chức chính quyền Tổng thống Joe Biden hy vọng những cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc chỉ kéo dài trong vài ngày. Ngoài ra, các quan chức Nhà Trắng và Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đang theo dõi rất sát tình hình.
Cũng trong ngày 3/8, nhóm các nước G7 gồm Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Mỹ, Anh và Canada đã tuyên bố chỉ trích những cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc xung quanh đảo Đài Loan.
Các ngoại trưởng G7 nhấn mạnh: không có lý do gì để sử dụng chuyến thăm của bà Pelosi để làm cái cớ cho hoạt động quân sự hung hăng ở eo biển Đài Loan, phản ứng leo thang này của Trung Quốc có thể tạo ra nguy cơ làm gia tăng căng thẳng và gây thêm bất ổn trong khu vực.
Phía Nhật Bản cũng cho biết họ bày tỏ quan ngại với Trung Quốc về các cuộc tập trận quân sự, một phần vì “các khu vực trên biển được phía Trung Quốc công bố sẽ sử dụng cho các cuộc tập trận chồng lấn với các vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.
Trước ý kiến này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã đáp lại rằng: do Trung Quốc và Nhật Bản vẫn chưa tiến hành phân định ranh giới biển đối với các vùng biển liên quan, vì vậy Bắc Kinh không chấp nhận khái niệm “vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản”.
Theo Báo Tuổi Trẻ