Dịch vụ chụp ảnh với thú cưng ở Đà Lạt sẽ được chấm dứt
Sáng 22/8, trao đổi với Tiền Phong, bà Trần Thị Vũ Loan – Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt (Lâm Đồng) cho biết đã có văn bản chỉ đạo xác minh, xử lý nghiêm các trường hợp bạo hành động vật theo phản ánh của báo chí và trực tuyến của công dân.
Theo bà Loan, ngay sau khi xảy ra sự việc, thành phố đã đề nghị Công an, Phòng Kinh tế cùng các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định. Hiện thành phố vẫn đang chờ báo cáo kết quả xử lý.
Bà Loan cho hay, các đơn vị đã tổ chức kiểm tra và xử lý nghiêm những đối tượng thực hiện hoạt động kinh doanh tự phát, hành vi ngược đãi động vật (nếu có), hành vi thả rông thú cưng, không đeo rọ mõm… gây nguy cơ mất an toàn của người dân và an toàn giao thông.
“Thời gian tới sẽ tăng cường tuần tra, giám sát, chấm dứt tình trạng lợi dụng vật nuôi để kinh doanh chụp ảnh với khách du lịch”, bà Loan khẳng định.
Ông Tôn Thất Thanh Vũ, Chủ tịch UBND phường 10 (thành phố Đà Lạt) cho biết, dịch vụ du khách chụp ảnh chung với chó cảnh Alaska tại Quảng trường Lâm Viên là hoạt động kinh doanh tự phát. Hầu hết chủ của những chú này từ địa phương khác tới thuê trọ, rồi kinh doanh.
“Các đơn vị liên quan đã phối hợp bắt, giữ, xử lý chó mèo thả rông quanh khu vực Quảng trường Lâm Viên, hồ Xuân Hương, chợ đêm Đà Lạt… Hoạt động kiểm tra, xử lý được báo cáo định kì lên UBND TP Đà Lạt kết quả thực hiện trước ngày 15 hàng tháng để theo dõi, chỉ đạo”, Phòng Kinh tế thành phố Đà Lạt thông tin.
Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Theo Luật sư Trương Đức Trung – Văn phòng luật sư Phong & Partners, Luật Chăn nuôi 2018 quy định vật nuôi bao gồm gia súc, gia cầm và động vật khác trong chăn nuôi. Khoản 4 điều 69 Luật Chăn nuôi đã quy định không được đánh đập, hành hạ vật nuôi.
Hành vi đánh đập, hành hạ tàn nhẫn đối với vật nuôi có thể bị phạt tới 3 triệu đồng theo quy định tại khoản 1 điều 29 trong Nghị định 14/2021/NĐ-CP. Riêng hành vi vi phạm tương tự theo tổ chức thì bị phạt tiền gấp đôi.
Luật sư Trung lưu ý, mức phạt hành chính trên áp dụng với cá nhân, tổ chức thực hiện hoạt động chăn nuôi mà có hành vi đánh đập, hành hạ tàn nhẫn với vật nuôi của mình. Trường hợp có hành vi đánh đập, hành hạ tàn nhẫn với vật nuôi của người khác thì tùy vào tính chất, mức độ mà có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo kết luận của cơ quan chức năng.
Nguồn: Báo Tiền Phong
Xem thêm nhiều thông tin nóng được cập nhật trong ngày trên: News Thời Đai